Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 8 này. Quốc hội sẽ thảo luận tiếp luật này vào ngày 5/11.
Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vừa được trình Quốc hội, trong đó vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu với sĩ quan được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thiếu tá, trung tá nghỉ công tác ở tuổi 48, 50, đóng BHXH chưa đủ 35 năm
Dự thảo luật đề xuất hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm. Theo đó, cấp úy tăng từ 46 lên 50 tuổi; cấp thiếu tá tăng từ 48 lên 52 tuổi, trung tá từ 51 lên 54 tuổi, thượng tá từ 54 lên 56 tuổi. Cấp đại tá với nam là 57 và nữ 55 tuổi được đề xuất cùng nâng lên 58 tuổi; cấp tướng hiện nam 60 (giữ nguyên) và nữ 55, tăng 5 tuổi lên 60 tuổi.
Dẫn chứng từ cấp địa phương, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội cho biết, việc nâng tuổi sẽ giữ chân đội ngũ sĩ quan có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe và giảm áp lực đào tạo cho các trường khối quân đội.
"Chúng tôi công tác tại cơ quan quân sự địa phương gần 40 năm nay, rất là tiếc khi anh em cấp thiếu tá chỉ 48 tuổi đã nghỉ hưu, nghỉ về bắt đầu cuộc sống mới... Rất khó, ai còn lập nghiệp ở tuổi 48-50 nữa", Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội chia sẻ.
Cử tri nhiều địa phương cũng kiến nghị sửa đổi nội dung này để đảm bảo quyền lợi cho sĩ quan. Hiện sĩ quan cấp úy, cấp tá trong quân đội có độ tuổi nghỉ hưu thấp hơn sĩ quan công an 3 - 5 tuổi. Thiếu tá, trung tá nghỉ công tác ở tuổi 48, 50, khi thời gian đóng BHXH chưa đủ 35 năm nên không được nhận đủ lương hưu 75%.
Cơ quan thẩm tra dự án luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng tình về việc nâng hạn tuổi. Việc này bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và cải cách chính sách BHXH. Việc nâng hạn tuổi giúp bảo đảm cho sĩ quan tham gia đóng BHXH đủ điều kiện được hưởng tối đa 75% lương theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Nghỉ rất lãng phí, trong khi việc đào tạo, bổ sung vào thì rất khó
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Khuất Việt Dũng nhận định, việc nâng tuổi phản ánh quân đội là "lực lượng lao động đặc biệt".
Ông Dũng cho biết, trước đây nhiều vị trí chuyên môn kỹ thuật "anh em vừa mới thành thạo, thuộc bài thì đã hết tuổi, không thể bố trí đi đâu được", "nghỉ rất lãng phí, trong khi việc đào tạo, bổ sung vào thì rất khó".
Một số ý kiến đề nghị việc nâng tuổi với nữ hàm đại tá, tướng thì cần lộ trình, ông Dũng cho rằng, số lượng nữ giữ quân hàm cấp tướng hiện chỉ có 1 người (Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108); còn nữ cấp đại tá chỉ có 2%, độ tuổi cao nhất 53 tuổi có 13 người, đến năm 2029 những nữ sĩ quan này sẽ lên 58 tuổi. Vì vậy, ông Dũng cho rằng không cần đặt ra lộ trình.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, việc tăng tuổi của cấp úy, cấp tá nhằm tiệm cận với Bộ luật Lao động, song vẫn phải phụ thuộc vào việc Quân đội là ngành lao động đặc biệt, đặc thù.
Việc nâng tuổi nghỉ hưu nhằm thu hút nhân tài, giảm áp lực đào tạo và tích lũy thời gian, kinh nghiệm công tác của sĩ quan, nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, hiện nay, số sĩ quan từ trung tá trở xuống theo luật mới đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 35 năm đóng bảo hiểm, nên không đủ 75% lương. “Anh em về cũng rất thiệt thòi, nên dự luật kéo dài tuổi để bảo đảm khi về hưu được đủ chế độ”, ông Cương nói.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, các cơ quan đã dùng công nghệ tính toán, phân tích dữ liệu để đề xuất tăng độ tuổi phục vụ phù hợp nhất, không ảnh hưởng đến cơ cấu quân đội và đảm bảo sức khỏe phục vụ của lực lượng đặc thù.