Lấy công nghệ làm lợi thế cạnh tranh
“Nền tảng thương mại điện tử FoodMap kết nối nông dân, nhà sản xuất nông sản với doanh nghiệp thương mại và người tiêu dùng được thành lập vào tháng 12/2018. Chúng tôi tự đặt cho mình hai sứ mệnh chính: Nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam; Cánh tay nối dài cho nông sản Việt Nam đi xa hơn. Cho đến giờ, mọi hoạt động của chúng tôi vẫn luôn theo đúng sứ mệnh ban đầu”, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FoodMap Phạm Ngọc Anh Tùng kể.
Hoạt động trong mảng nông nghiệp với rất nhiều công ty truyền thống có bề dày hàng chục năm kinh nghiệm, startup non trẻ khó có thể “đọ” về tiềm lực tài chính hay nhân lực với các “ông lớn”, FoodMap xác định lợi thế cạnh tranh của mình là công nghệ. Đội ngũ nhân lực trẻ của FoodMap (tuổi đời trung bình là 25) có khả năng tiếp cận rất nhanh những kênh mới trong thương mại điện tử như livestream, bán hàng trực tuyến…, đây là điều mà nhiều công ty nông nghiệp truyền thống rất muốn nhưng chưa thể làm tốt.
“Công nghệ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Hàng năm, 20 – 25% ngân sách của công ty được chi cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) và triển khai ứng dụng các hệ thống công nghệ. Ngay cả những công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet kết nối vạn vật)… cũng được lựa chọn nghiên cứu và triển khai phù hợp với thực tiễn. Công ty khuyến khích các phòng, ban dùng AI như công cụ để tăng hiệu suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Các ứng dụng AI tại FoodMap đang ngày càng gia tăng”, ông Tùng nhấn mạnh.
Tới nay, FoodMap đã có hệ sinh thái công nghệ khá đa dạng, từ hệ thống quản lý đơn hàng, quản lý tồn kho theo thời gian thực, tới quản lý nhà cung cấp, quản lý khách hàng… Dữ liệu khách hàng, dữ liệu thị trường liên tục được thu thập, phân tích qua các hệ thống. Startup công nghệ nông nghiệp còn xây dựng cả phần mềm FoodMap Insight phục vụ riêng cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tối ưu về vận hành quản lý dữ liệu và phân tích dự báo.
Thành lập 5 năm nay nhưng có gần 2,5 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, startup công nghệ nông nghiệp phải linh động thích ứng mới mong tồn tại. Thời kỳ trước và trong đại dịch, FoodMap tập trung kinh doanh bán lẻ B2C, sau đại dịch mở rộng cả kênh bán sỉ B2B để thêm doanh số, tạo nguồn doanh thu bền vững.
Dồi dào ý tưởng mới, nhưng nguồn lực của công ty khởi nghiệp có hạn, lãnh đạo FoodMap mạnh dạn nói không với những ý tưởng chưa thực sự “đúng thời điểm” dù được đánh giá là những mảng kinh doanh “màu mỡ”, giàu tiềm năng, chẳng hạn như mở chuỗi cửa hàng nông nghiệp sạch hoặc triển khai mảng tài chính nông nghiệp…
“Trong thị trường biến động, nhiều thử thách với các startup, đặc biệt là startup ngành nông nghiệp, đã có nhiều công ty tương tự chúng tôi phải đóng cửa, ra đi. FoodMap vẫn tồn tại và phát triển được là một điều rất may mắn. Chúng tôi đã rất nỗ lực để có thể tiếp tục hành trình hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh của mình”, ông Tùng thẳng thắn nhìn nhận.
Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp đã qua, không tránh khỏi những lúc thăng trầm, nhưng chưa bao giờ nhà sáng lập FoodMap nghĩ tới chuyện dừng lại.
“Khó khăn với các công ty khởi nghiệp thì luôn có và xảy ra hàng ngày. Cần phải sẵn sàng trong tâm lý rằng khó khăn cũng chỉ là điều bình thường thôi, và mình sẽ tìm cách giải quyết vấn đề đó. Tôi thường hay nói đùa rằng: Có rất nhiều con đường đi lên trên núi để ngắm trăng. Và sẽ có lúc mình phải đi đường vòng chứ không thể đi đường thẳng. Người ta hơn nhau không phải lúc thuận lợi mà là lúc khó khăn. Chính thái độ và phương án đối diện khó khăn sẽ quyết định thành bại của công ty khởi nghiệp”, nhà sáng lập FoodMap chia sẻ kinh nghiệm.
Cầu nối đưa thương hiệu nông sản Việt ra thế giới
Đa dạng nông sản và thực phẩm từ hàng trăm hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân… đang được cung ứng trên nền tảng thương mại điện tử FoodMap. Tất cả sản phẩm đều được tích hợp mã QR, hiển thị minh bạch thông tin và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thông qua website hoặc ứng dụng di động.
Điều tâm đắc nhất của nhà sáng lập FoodMap là gần nửa thập kỷ qua, startup công nghệ nông nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông sản có nguồn thu nhập tốt.
Điển hình như gia đình ông Tuấn - một hộ nông dân chuyên sản xuất đường thốt nốt ở An Giang, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử FoodMap hơn 5 năm nay.
“Những năm 2018 - 2019, ngành đường thốt nốt ở An Giang chưa phát triển mấy, không có nhiều nhà làm đường thốt nốt để kinh doanh online. Chúng tôi đã giúp cơ sở sản xuất nhỏ lẻ của nhà chú Tuấn xây dựng câu chuyện để marketing bán hàng, thiết kế bao bì, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm…, nhờ đó thu nhập của nhà chú tăng nhanh. Cách đây khoảng 3 năm, gia đình chú đã xây dựng được nhà mới, trở thành điển hình cho nhiều bà con nông dân khác cùng làm theo để khôi phục lại ngành đường truyền thống ở An Giang. Hàng năm chúng tôi thường về thăm chú, lần nào cũng vui như thăm người nhà”, ông Tùng vui vẻ kể tiếp.
Năm vừa rồi, FoodMap xuất khẩu được nhiều mặt hàng nông sản đi một số quốc gia. Điểm đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm với thương hiệu Việt Nam chứ không phải xuất khẩu nguyên liệu thô. Ước mơ “trở thành cánh tay nối dài mang nông sản Việt Nam đi xa” bắt đầu được hiện thực hóa.
“Chúng tôi đã xuất khẩu được số lượng lớn, với nhiều container 40 feet hàng tháng, chủ yếu là hàng trái cây tươi với thương hiệu FoodMap Fruit. Bán được sản phẩm nông sản đi nước ngoài là một điều đáng mừng, nhưng hiện tại chúng tôi đang từng bước bán với sản lượng lớn hơn, giá tốt với thương hiệu Việt. Hiện tại mình bán được nhiều sản phẩm nhưng vẫn bấp bênh về giá vì sản phẩm không có thương hiệu. Nếu có thương hiệu thì giá bán ra sẽ cao hơn. Hy vọng trong tương lai không xa, thêm nhiều mặt hàng của FoodMap nói riêng và nông sản thương hiệu Việt nói chung có thể lên kệ siêu thị lớn ở các nước châu Âu và Mỹ”, ông Tùng hào hứng bày tỏ.
Nhà sáng lập FoodMap xác định rõ, hành trình chinh phục thị trường quốc tế sẽ rất nhiều khó khăn. Trước hết là năng lực làm việc với các đối tác quốc tế, cần phải chuyên nghiệp, không chỉ là trong các vấn đề về giấy tờ, thủ tục, mà từ chính dịch vụ và con người của mình phải ngang tầm với họ, để trong các cuộc thương lượng, mình sẽ luôn ở vị thế bình đẳng.
Cùng với đó, khi bước vào “cuộc chơi” xuất khẩu, yêu cầu nguồn hàng rất lớn, cần phải có sự chuẩn bị về nguồn lực tài chính, kỹ năng chuyên môn và sự am hiểu thị trường.
Với sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư tới từ Singapore, Mỹ…, FoodMap có thêm nguồn vốn để chơi “cuộc chơi” dài hơi hơn, có được sức chịu đựng lớn hơn để thực hiện tầm nhìn dài hạn hơn. Các nhà đầu tư có mối quan hệ tốt ở thị trường nước ngoài còn giúp startup trẻ kết nối chuyên gia, tăng cường kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp…
Hình dung về tương lai, ông Tùng cho hay, một trong những mục tiêu lớn 5 năm tới là “FoodMap trở thành công ty Agritech lớn ở Đông Nam Á”.
Công nghệ sẽ tiếp tục là “chìa khóa” giúp FoodMap tăng trưởng nhanh, mạnh và bền vững. Startup công nghệ nông nghiệp Việt sẽ khai thác tiềm năng công nghệ để giải quyết các “bài toán” kinh doanh như làm thế nào để người tiêu dùng mua sản phẩm, hài lòng về chất lượng sản phẩm, và sẵn sàng quay lại, trở thành khách hàng trung thành…
Cùng với đó, nền tảng thương mại điện tử FoodMap sẽ tiếp tục nâng cao giá trị nông sản Việt bằng cách hỗ trợ đầu ra cho các nông sản địa phương, đồng thời xây dựng những thương hiệu nông sản có thể “chiến thắng” tại thị trường nội địa và tự tin xuất khẩu.
“Chúng tôi cũng rất mong muốn thời gian tới sẽ giúp nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam có tên tuổi, chỗ đứng trên thế giới. Trong 3 – 5 năm nữa, người tiêu dùng quốc tế sẽ thay đổi cách nhìn về nông sản Việt Nam. Họ sẽ công nhận nông nghiệp Việt Nam là một nền nông nghiệp phát triển, tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao, có thể phục vụ mọi nhà hàng, khách sạn hoặc chuỗi siêu thị khó tính nhất thế giới”, ông Tùng nói thêm.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều ngày càng quan tâm hơn tới câu chuyện kinh tế xanh, phát triển bền vững, thì các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh cũng đã được “sếp” của FoodMap xác định là những nội dung cần chú trọng trong dài hạn. Hiện tại, FoodMap đang dùng những bao bì thương mại điện tử là túi tự hủy sinh học, mặc dù tăng thêm chi phí nhưng sẽ góp phần bảo vệ môi trường. |