Trong số 1.800 doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam, có đến một nửa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
LTS: Ông Nguyễn Chỉ Sáng, PCT kiêm TTK Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã có nhiều chia sẻ tâm huyết trong buổi họp báo cho triển lãm Ô tô automechanika tổ chức bởi Messe Frankfurt (HK) Ltd, Can Chao International Co Ltd và Yorkers Exhibition Service Vietnam.
PV Vietnamnet ghi chép lại những chia sẻ của ông:
Như chúng ta đã biết, tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm ô tô các loại tại Việt Nam là khá khiêm tốn, một trong những lý do được nhắc đến nhiều là do sản lượng xe sản xuất trong nước chưa đủ lớn để có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ, đây có thể là nguyên nhân chính nhưng còn có một số nguyên nhân chủ quan, khách quan khác.
Hãy điểm qua một số thông tin về việc chế tạo, cung cấp các thiết bị lắp ráp, chi tiết, linh kiện của các doanh nghiệp trong nước cho ngành công nghiệp ô tô.
Điểm qua tình hình thị trường
Năm 2023, sức mua với xe hơi đã giảm sút. Tháng 1/2023 đã ghi nhận sản lượng xe du lịch tiêu thụ toàn thị trường giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2022. Sức mua thị trường sụt giảm nhanh khiến tồn kho tại showroom và nhà máy sản xuất ở mức đáng báo động.
Trong ngắn hạn, nếu sức mua không được cải thiện và thị trường không tăng trưởng trở lại, để giảm áp lực tồn kho, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì nhịp sản xuất ổn định và buộc phải giảm công suất và nhân công, điều này sẽ tác động trực tiếp tới tình hình lao động - việc làm, từ đó ảnh hưởng tới an sinh xã hội.
Theo một số nhà phân tích, căn cứ thực tế thị trường những tháng đầu năm 2023, doanh số toàn thị trường xe ô tô cả năm 2023 (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có thể bị sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với 2022, tương đương với hơn 85.500 xe.
Trong dài hạn, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, mục tiêu xuất khẩu khoảng 90.000 xe và thu được 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 (như nêu tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển Ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2025, tầm nhìn đến 2035) sẽ không thể đạt được, nếu không có những chính sách thúc đẩy ngắn hạn, dài hạn một cách kịp thời trong giai đoạn tới.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất kịp thời chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ. Nhờ có chương trình này, thị trường ô tô đã có sự tăng trưởng tốt và đạt qua mốc 500.000 xe giúp chặn đà suy giảm doanh số bán hàng trong tình hình khó khăn của dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong thời gian tới, rất mong Chính phủ có những chính sách phù hợp cả về ngắn hạn, dài hạn để nàng công nghiệp ô tô giữ được đà tăng trưởng.
Về tình hình lắp ráp ô tô
Trước thực tế nhiều doanh nghiệp ô tô đã và đang triển khai mở rộng sản xuất, gia tăng số mẫu mã xe sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam, điều này làm tăng thêm số lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Cuối năm 2022, Toyota Việt Nam đưa thêm 2 mẫu xe vào sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam thay vì nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Như vậy, Toyota Việt Nam đã có tổng cộng 5 mẫu xe lắp ráp tại nhà máy Vĩnh Phúc, gồm Vios, Innova, Fortuner (máy dầu), Veloz Cross và Avanza Premio.
Trước đó, giữa tháng 11/2022, Tập đoàn Thành Công và Tập đoàn Ô tô Hyundai đã khánh thành Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Nhà máy có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020, trên tổng diện tích hơn 50 ha.
Kết hợp với nhà máy số 1, tổng công suất xe Hyundai có thể xuất xưởng tại Ninh Bình được thiết kế là 180.000 xe/năm, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như hướng đến thị trường khác trong khu vực.
Ở phân khúc xe hạng sang, Tập đoàn BMW cũng chính thức tuyên bố hợp tác với THACO AUTO để lắp ráp một số mẫu xe BMW tại nhà máy của Thaco tại ở Chu Lai.
Mới đây, Công ty Tập đoàn TMT có kế hoạch liên doanh với nhà sản xuất Trung Quốc để lắp ráp xe điện nhỏ tại Việt Nam.
Việc ngày càng có nhiều mẫu xe được lắp ráp tại Việt Nam sẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và làm cho việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trở nên khả thi hơn.
Nội địa hoá
Có thể nhìn vào thực tế của Toyota Việt Nam, với cam kết phát triển sản xuất trong nước cùng với chiến lược nội địa hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của xe trong nước so với xe nhập khẩu, Toyota Việt Nam đã triển khai hoạt động hỗ trợ nhà cung cấp nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao và giá thành cạnh tranh.
Hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã lên tới con số gần 60 trong đó có 12 nhà cung cấp Việt Nam, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt gần ngàn sản phẩm các loại.
Bên cạnh đó, Toyota cũng đang tiếp tục hợp tác với Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô, với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số doanh nghiệp trong nước và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô, qua đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Tập đoàn THACO cũng được biết đến như là một đơn vị chú trọng đến việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Kể từ khi đầu tư sản xuất ô tô tại Chu Lai, THACO đã có chương trình nội địa hóa riêng của mình. Tới nay, THACO đã có khoảng 20 nhà máy liên quan đến công nghiệp hỗ trợ của ngành ô tô, gồm nhà máy ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; linh kiện composite; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô.
THACO đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà máy hiện hữu và đầu tư các dự án mới, như nhà máy nội thất xe du lịch; sản xuất kính xe du lịch; mâm xe; linh kiện và sản phẩm xuất khẩu; các dây chuyền đúc, dập nóng và sản xuất thân vỏ…
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tại Chu Lai sẽ có 36 nhà máy công nghiệp hỗ trợ và một tổ hợp cơ khí chế tạo với mục tiêu trở thành trung tâm cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Hy vọng sau khi hoàn tất đầu tư, THACO sẽ là một địa chỉ để các hãng xe khác có thể đặt hàng một số chi tiết, linh phụ kiện.
Công ty Vinfast, với lợi thế là công ty 100% vốn Việt Nam đã thực hiện nội địa hóa nhiều công đoạn phức tạp trong việc sản xuất các xe điện mới bằng việc dùng hệ thống JIG hàn thân vỏ xe của các nhà sản xuất trong nước (Cũng cần lưu ý rằng, sản phẩm JIG là sản phẩm công nghệ cao kết hợp công nghệ thiết kế có mô phỏng, công nghệ tự động hóa điều khiển PLC, khí nén, lập trình rô bốt, một công nghệ mà các hãng xe nước ngoài không có ý định chuyển giao cho Việt Nam). Điều này không những làm giảm giá thành mà còn giúp doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam chủ động trong việc sáng tạo các mẫu mã xe.
Từ những thành công bước đầu của các công ty liên doanh như Toyota, Huynh đai Thành công, Thaco Trường Hải hay các công ty 100% vốn Việt Nam Vinfast, chúng ta thấy rằng, các nhà sản xuất Việt Nam không chỉ có khả năng cung cấp những chi tiết, phụ tùng đơn giản mà còn cả những máy móc, thiết bị phức tạp cho ngành công nghiệp ô tô (JIG hàn).
Trong thời gian tới, với quyết tâm của các doanh nghiệp, với sự kết nối của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí VAMI, Hiệp hội ô tô Việt Nam VAMA, với sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, tin rằng các doanh nghiệp cơ khí sẽ tham gia được nhiều hơn vào ngành công nghiệp ô tô để đạt được tỷ lệ nội địa hóa như đã được đưa ra trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô. Về phía Hiệp hội chúng tôi luôn luôn sẵn sàng làm cầu nối giữa các doanh nghiệp cơ khí và các nhà lắp ráp, sản xuất ô tô.
Hoàng Hiệp (ghi)