Thông tin trên được nêu trong báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy gửi Bộ Y tế trong ngày 20/3 về chùm ca ngộ độc Botulinum do ăn cá muối ủ chua đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
Cụ thể, 3 bệnh nhân tiên lượng nặng đã được chỉ định truyền thuốc giải độc tố Clostridium Botulinum. Hai trường hợp còn lại tiếp tục theo dõi sát tình trạng để quyết định có sử dụng thuốc giải BAT hay không.
Ca ngộ độc nặng nhất là H.V.Đ (57 tuổi), sức khỏe có cải thiện sau 20 giờ truyền thuốc giải độc. Đến nay, bệnh nhân Đ. còn lơ mơ, dùng thuốc an thần, mạch 70 lần/phút, nhiệt độ 39 độ C, cơ lực 2 bên cải thiện hơn, sức cơ 3/5.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết người bệnh còn phụ thuộc máy thở, bị viêm phổi. Các bác sĩ đã chuyển đổi phác đồ sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đa kháng tại bệnh viện này hiện không đủ. Các chuyên gia đã đề nghị bệnh viện báo cáo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam về vấn đề này.
Bệnh nhân H.V.Đ (26 tuổi) có cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc. Tình trạng sức cơ có cải thiện, dự kiến cai máy trong 1-2 ngày tới. Hiện bệnh nhân tỉnh, thực hiện được y lệnh.
Bệnh nhân H.T.T (37 tuổi) sau khi được truyền thuốc giải độc đã hồi phục tốt, tiên lượng khá, đã cai máy và rút ống nội khí quản vào sáng nay. Đây là trường hợp có rối loạn nhịp tim chậm và phải đặt máy tạo nhịp. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, thực hiện được y lệnh, đã ngưng an thần, nuốt được, mở miệng 5cm.
Như VietNamNet đã đưa tin, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã tiếp nhận liên tiếp 10 ca ngộ độc Botalinum, một người đã tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy món cá chép muối ủ chua các bệnh nhân ăn có độc chất C. Botulinum type E. Đây là thức ăn truyền thống của đồng bào dân tộc địa phương.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử các chuyên gia hồi sức, chống độc mang theo 5 lọ thuốc giải ra Quảng Nam và sử dụng 3 lọ cho các bệnh nhân. Đây là số thuốc giải quý hiếm cuối cùng của bệnh viện, trị giá khoảng 8.000 USD/lọ.