Trào lưu mới trên mạng xã hội Trung Quốc
Một bức ảnh cho thấy một nữ sinh nằm úp mặt xuống đất trong bộ lễ phục tốt nghiệp, chiếc mũ tua rua của cô bị để sang một bên. Một số ảnh khác cho thấy nữ sinh ngồi sụp xuống ghế, gục vào tường hay treo lơ lửng trên lan can cầu thang.
Trên thực tế, nữ sinh không hề bị tổn hại về mặt thể chất. Đây chỉ là những bức ảnh tốt nghiệp với chủ đề được chú thích kèm theo là: “Thà chết còn hơn sống”.
Trong những tuần gần đây, các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc trở nên tràn ngập những hình ảnh như vậy, được đăng bởi những sinh viên mới tốt nghiệp, theo hãng tin CNN. Những người trẻ này đã không chọn những bức ảnh bóng bẩy điển hình mà đăng tải những bức ảnh phản ánh chân thực hơn về thực tế khó khăn mà sinh viên mới ra trường phải đối mặt.
Khoảng 13 triệu học sinh tốt nghiệp THPT trên khắp Trung Quốc đang hồi hộp chờ đợi kết quả kỳ thi Cao Khảo (đại học) bởi nó sẽ quyết định phần còn lại của cuộc đời họ. Trong khi đó, con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên đại học dự kiến tốt nghiệp vào mùa hè này gây áp lực lớn cho thị trường việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị đang ở mức kỷ lục, 20,8% trong tháng 5 và làn sóng người tìm việc mới sẽ chỉ làm tăng sự cạnh tranh.
Tất cả những điều này tạo nên một bức tranh gam màu xám cho sinh viên. Nhiều người cảm thấy kiệt sức và chán nản. “Bằng thạc sĩ này…cuối cùng…đã hoàn thành,” một sinh viên viết trên ứng dụng truyền thông Xiaohongshu của Trung Quốc, bên cạnh bức ảnh cô nằm trên mặt đất với chiếc mũ tốt nghiệp và tập luận án. Trong một bức ảnh khác, cô ấy giả vờ ném luận án của mình vào thùng rác tái chế.
"Nhà tuyển dụng ném hồ sơ vào sọt rác"
Thanh niên Trung Quốc hiện là những người có trình độ học vấn cao nhất trong nhiều thập kỷ, với số lượng kỷ lục tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến sự không tương thích giữa các kỹ năng và kỳ vọng của họ cũng như các cơ hội sẵn có.
Một số người lo ngại bằng cấp của họ đang trở nên ít giá trị hơn đối với nhà tuyển dụng lao động. Điều này đã thúc đẩy nhiều việc học cao học nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Kết quả là hơn 6,5 triệu bằng thạc sĩ đã được cấp trong thập kỷ qua và hơn 600.000 bằng tiến sĩ, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 khiến vấn đề việc làm thậm chí còn khó khăn hơn. Điều này khiến chính phủ ban hành chính sách kêu gọi các trường đại học tiếp nhận nhiều ứng viên thạc sĩ hơn vào năm 2020.
Tuy vậy, ngay cả bằng thạc sĩ hay tiến sĩ cũng không đảm bảo có việc làm. Li Nian, một nghiên cứu sinh vừa tốt nghiệp, là một trong số những người đã đăng những bức ảnh theo phong cách “Thà chết còn hơn sống”. Cô ban đầu dự định đi làm ngay sau khi tốt nghiệp nhưng đã chuyển hướng sang học tiến sĩ. Mặc dù bằng cấp cao, gửi vô số hồ sơ xin việc nhưng các nhà tuyển dụng vẫn không hồi đáp.
Li Nian nhớ lại lần tham dự một hội chợ việc làm ở trường, chứng kiến các nhà tuyển dụng gói lại và ném một đống hồ sơ xin việc dày cộp vào thùng rác với lý do "họ không thiếu người.”
Giờ đây, cô dự định ra nước ngoài để theo học chương trình sau tiến sĩ, hy vọng kinh nghiệm quốc tế có thể giúp cô có cơ hội tìm được việc làm ở quê nhà.
Câu chuyện chẳng của riêng ai
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao. Như các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs đã chỉ ra trong một báo cáo gần đây, các nước châu Âu như Tây Ban Nha và Italia cũng đang phải vật lộn với tỷ lệ vượt quá 20%.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đặc điểm nhân khẩu học của Trung Quốc khiến rủi ro trở nên đặc biệt cao. Các chuyên gia chỉ ra rằng những người trẻ tuổi là những người chi tiêu lớn cho tiền thuê nhà, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc và các sản phẩm văn hóa. Thanh niên ngày càng thất nghiệp, không có tiền có thể đồng nghĩa với chi tiêu của người tiêu dùng ít hơn và nền kinh tế quốc dân suy giảm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng có nguy cơ làm phức tạp thêm một số vấn đề chồng chéo khác. Khi dân số khoảng 1,4 tỷ người của Trung Quốc đang già đi nhanh chóng và bắt đầu thu hẹp lại, nền kinh tế rất cần nhiều lao động trẻ hơn để có thể hỗ trợ các nhu cầu về sức khỏe và xã hội của nhóm người cao tuổi đang gia tăng nhanh chóng.
Nhiều người trẻ tuổi đang trì hoãn hoặc quyết định không lập gia đình do những khó khăn kinh tế ngày càng tăng càng làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Tử Huy