Truyền thông chính sách ngày càng được Đảng, Chính phủ, Nhà nước quan tâm, thể hiện bằng các văn bản pháp quy và các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các cơ quan báo chí trong từng lĩnh vực.
“Các bộ, ngành, các địa phương đều có đa dạng hình thức phối hợp với cơ quan báo chí, hỗ trợ một phần kinh phí để đẩy mạnh công tác truyền thông. Việc sát cánh với cơ quan báo chí và hỗ trợ kinh phí tuyên truyền đã giúp các cơ quan báo chí có nguồn lực để đầu tư cho tòa soạn, mở các chuyên trang, chuyên mục và đầu tư cho các phóng viên tác nghiệp, nhờ đó, chính sách được phổ biến nhanh hơn, đi sâu vào đời sống xã hội hơn và diện tiếp nhận chính sách được mở rộng hơn”, bà Nguyễn Thu Hằng, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Lao động và Xã hội phân tích.
Mặc dù hình thức Nhà nước đặt hàng đã được áp dụng và trở thành nguồn hỗ trợ hiệu quả cho một số tòa soạn, song theo bà Hằng, vẫn có một số hạn chế cần khắc phục để việc truyền thông chính sách đạt hiệu quả tốt hơn.
Trước hết là vấn đề kinh phí. Bà Hằng cho rằng, kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác truyền thông nói chung, truyền thông về dự thảo chính sách nói riêng còn rất hạn hẹp, vì thế, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự cân đối, bố trí từ kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nên chưa có đột phá về nguồn lực để thực hiện công tác truyền thông chính sách pháp luật.
Nguyên nhân của bất cập trên được nhận định do cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chưa có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách; đầu tư cho cơ sở vật chất, nhân lực chưa xứng tầm với công tác này.
Cùng với khó khăn về kinh phí, các cơ quan báo chí còn phải đối mặt với sự cứng nhắc trong các quy định về đấu thầu, về quy định tài chính và công tác nghiệm thu.
“Rất nhiều gói truyền thông yêu cầu phải có báo giá cạnh tranh, và báo giá nào thấp sẽ được chọn, như vậy các báo phải nhờ báo bạn làm giúp báo giá cao hơn của mình. Điều này đôi khi lại thành ra “thương người lại khó đến thân” vì đến lúc báo đó làm truyền thông với một đơn vị khác nhưng lại bị “lộ” ra cái báo giá trước đây đã làm để giúp báo bạn trúng thầu khác với báo giá hiện tại”, bà Hằng chia sẻ.
Về yêu cầu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, rất khó khăn để cân đo từng con chữ theo kiểu của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vì giá trị tinh thần và giá trị vật chất rất khác nhau. Nhưng do yêu cầu bắt buộc phải xây dựng nên các cơ quan báo chí cũng phải làm, thậm chí phải thuê tư vấn trong quá trình xây dựng.
Tuy nhiên kể từ khi Thông tư 18/2021/TT-BTTTT được ban hành (có hiệu lực từ ngày 20/1/2022), rất nhiều cơ quan chủ quản báo chí vẫn chưa phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là các bộ, ngành. Chỉ một số ít cơ quan báo chí chủ quản là các Hội không quá chặt chẽ trong công tác phê duyệt mới có được “bảo bối” này.
Tháng 6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc đặt hàng cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2023-2025 và giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, trong đó có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương, cộng đồng dân cư đánh giá nhu cầu của người dân để cung cấp thông tin kịp thời; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước…
“Trong bối cảnh phát hành khó khăn và xu hướng ngày càng thu hẹp của báo in hiện nay thì đây là điều vô cùng đáng mừng. Tuy nhiên, trong 4 điều kiện để được Nhà nước đặt hàng cung cấp ấn phẩm cho đồng bào thì điều kiện khiến nhiều cơ quan báo chí thất vọng “ngồi im” là: “Có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành”. Có đơn vị mới tạm ứng 50% kinh phí tuyên truyền năm 2022 (chưa quyết toán 2022, chưa ký hợp đồng năm 2023) đang “dọa” đòi lại tiền tạm ứng nếu báo không có định mức kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt”, bà Hằng cung cấp thông tin.
Một vấn đề bất cập khác nữa là công tác nghiệm thu sản phẩm báo chí. Sản phẩm báo chí là sản phẩm trí tuệ, tinh thần, tuy nhiên, khi được hỗ trợ bằng tiền ngân sách thì phải được lượng hóa (bằng diện tích đăng bài và số chữ, số ảnh kèm bài).
“Sản phẩm báo chí được nghiệm thu bởi những người không hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ, không hiểu biết về báo chí. Nhiều đơn vị ký hợp đồng đăng bài diện tích 1/2 trang báo thì nhất định phải là nửa trang trình bày ngang, nếu chẳng may số nào họa sĩ cho “thay đổi không khí” trình bày dọc là không nghiệm thu. Có số báo toàn trình bày ngang hết vì mỗi chuyên đề là nửa trang. Vì thế mới nhìn đã rất chán, thật khó để bạn đọc tiếp thu nội dung. Anh em thực hiện các chuyên đề đặt hàng vẫn nói đùa: Bên A mang cân mang thước đi nghiệm thu sản phẩm đấy, bài phải đủ cân lạng (số chữ), đủ chiều cao (diện tích) mới được nghiệm thu.
Hoặc có trường hợp khi nghiệm thu những bài phỏng vấn là nhặt bỏ ra hết, không coi đó là bài truyền thông. Trên báo in thì đành chịu nhưng trên báo điện tử thì yêu cầu sửa thành bài viết phản ánh thông thường mới nghiệm thu. Vì vậy việc phóng viên nổi khùng với đối tác đặt hàng không phải chuyện hiếm”, bà Hằng bày tỏ.