Góp ý vào dự thảo của Bộ Công an về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Luật Xuất nhập cảnh), Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho hay về cơ bản nhất trí với các chính sách trong đề nghị xây dựng luật.
Cụ thể, các chuyên gia TAB ủng hộ việc sửa đổi cấp thị thực điện tử (evisa) cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ, nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Về chính sách miễn thị thực đơn phương, TAB đề xuất thời gian 5 năm cho công dân các nước được miễn theo dạng này và xem xét gia hạn trước ít nhất 6 tháng.
Hội đồng Tư vấn du lịch cũng đồng tình với việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu quốc tế cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày và có giá trị nhiều lần.
Đặc biệt, TAB đề xuất xem xét bổ sung quy định miễn thị thực đơn phương 30 ngày, trên cơ sở đề xuất của Bộ VH-TT&DL, cho khách tham gia một số loại hình du lịch đặc biệt như du lịch golf, du lịch bằng máy bay chuyên cơ,... hoặc các sự kiện đặc biệt như tham dự giải đấu thể thao, diễn đàn, hội chợ du lịch cấp quốc gia.
Ngoài ra, xu hướng hiện nay là ngày càng nhiều khách lẻ đi du lịch, nên việc yêu cầu khách du lịch phải có đơn xét duyệt nhân sự xin cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế làm phát sinh thêm dịch vụ visa, gây phiền toái cho khách, chưa phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.
Do đó, TAB kiến nghị xem xét cấp thị thực tại cửa khẩu với thời hạn tạm trú 30 ngày và có giá trị một lần, trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho cả khách lẻ đi du lịch tự do và khách đi theo đoàn.
Một điểm mới khác cũng được các chuyên gia TAB nhắc tới, đó là việc bổ sung thêm một loại thị thực cấp cho đối tượng là cá nhân nước ngoài mua bất động sản là nhà ở tại Việt Nam, có thời hạn 5 năm, kéo dài thời hạn thị thực cho lao động kỹ thuật cao làm việc dài hạn trong ngành du lịch từ không quá 2 năm lên 3 năm, bổ sung thêm loại thị thực dành cho người nước ngoài làm việc từ xa ở Việt Nam có thời hạn 2 năm.
Để loại bỏ hình thức làm dịch vụ visa trá hình nhằm thu lợi bất chính, TAB đề xuất cho phép cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hủy tư cách mời, bảo lãnh người nước ngoài, hủy tài khoản điện tử nếu cơ quan, tổ chức làm dịch vụ visa mà không thông báo rõ ràng cho khách du lịch quốc tế biết và thu phí dịch vụ cao hơn quy định.
Mặc dù Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á mở cửa du lịch nhưng tốc độ phục hồi chậm hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, trong khi các đối thủ đã đạt mức phục hồi cao hơn so với con số của năm 2019.
Năm 2022, nước ta chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách, mục tiêu đón 8 triệu lượt vào năm nay. Do đó, việc sửa đổi chính sách visa theo hướng thông thoáng sẽ góp phần đưa Việt Nam lên đầu danh sách các điểm đến ưa thích để du khách quốc tế lựa chọn.