Những câu chuyện cũ, hạn chế cũ
Một cuộc họp mà ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn,... mong chờ từ lâu. Bởi, tuy mở cửa khá sớm so với các nước trong khu vực (15/3), Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội trong việc đón khách quốc tế hậu Covid-19.
Ngay trước thềm hội nghị, Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã có cuộc họp gấp để tìm ra căn nguyên của sự thất bại, đồng thời bàn các giải pháp để kịp thời đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ. Chưa bao giờ, các cuộc họp lại cấp tập, khẩn trương, các doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia lại nhóm họp, bàn luận sôi nổi như vậy. Tất cả đều chung một quan điểm: du lịch Việt Nam đầy tiềm năng, điều kiện đã sẵn sàng, không có cớ gì lại tiếp tục để vuột mất những cơ hội đó.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả năm 2022, trong khi du lịch nội địa bùng nổ chưa từng có, vượt 100 triệu khách, thì lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, chỉ bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra.
Về chỉ số phục hồi du lịch năm 2022 so với năm 2019, Việt Nam lại tụt hậu so với các nước khi chỉ đạt 18,1%, đứng thứ 7 trong ASEAN sau Singapore (31%); Malaysia (27,5%); Campuchia (26,3%); Indonesia (22,9%); Philippines (22,1%); Thái Lan (22%).
Vì thế, các doanh nghiệp rất mong có một hội nghị cấp cao hơn, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp lắng nghe, thảo luận và có chỉ đạo tháo gỡ những nút thắt để du lịch Việt Nam tăng tốc.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu tập trung phân tích lý do tại sao Việt Nam lại "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế. "Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Hàng loạt điểm nghẽn đã được các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp chỉ ra. Ngoài những lý do khách quan, là tình trạng chung mà các ‘đối thủ’ của du lịch Việt Nam đều gặp phải nhưng đã vượt qua đầy sáng tạo và bứt phá, điển hình như Thái Lan, Singapore,… thì những hạn chế từ nội tại mới chính là rào cản khiến khách quốc tế vẫn ngần ngại, chưa lựa chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn sau dịch.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, ông Nguyễn Văn Hùng, chỉ ra rằng, đó chính là điểm nghẽn về chính sách visa, mà cấp thiết cần mở rộng lượng được miễn thị thực, kéo dài thời gian lưu trú của khách từ 15 lên 30 ngày, miễn thị thực điện tử cho tất cả các thị trường và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục. Vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần được tăng cường trong việc phối hợp giới thiệu hình ảnh đất nước, tổ chức các hoạt động xúc tiến. Công tác quảng bá, xây dựng sản phẩm mới, hợp tác công tư trong phát triển du lịch,... cũng được đặt ra.
Đặc biệt là nút thắt về visa. Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá, chính sách của Việt Nam từ 15/3 là điểm cộng thì đến nay lại là điểm trừ. Sẽ không thể tận dụng được lượng khách đi liên tuyến nếu vẫn tiếp tục chính sách visa như hiện nay.
Rõ ràng, đây vẫn là những câu chuyện cũ, hạn chế cũ, được nhắc đến nhiều lần, tại nhiều cuộc họp, hội nghị,... nhưng chưa được tháo gỡ, giải quyết dứt điểm hoặc chưa được triển khai làm tốt.
Giải pháp để du lịch đột phá
Tại cuộc họp của Ban IV đã đề cập, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, chỉ cần nhìn vào ‘đối thủ’ Thái Lan để ‘bắt chước’, như mở rộng danh sách các quốc gia được miễn visa bằng họ, kéo dài thời gian lưu trú và được gia hạn thị thực nhiều lần, thủ tục đơn giản nhanh gọn, tiến tới làm dịch vụ xuất sắc như họ,... thì với tiềm năng của du lịch Việt Nam, việc tăng trưởng về lượng khách qua mỗi năm là trong tầm tay.
Lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành cùng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trước đại dịch, du lịch Việt Nam cũng chưa có khả năng cạnh tranh cao, sau đại dịch tiếp tục đi sau, chứng tỏ chưa có đột phá. Ông nhấn mạnh: “Phải xem xét cơ cấu lại sản phẩm du lịch theo hướng đặc sắc, cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có”.
Do vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, trước hết, các bộ, ngành, địa phương cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, nhất là các vấn đề liên quan visa, thuế… Việc nào thuộc thẩm quyền của các bộ thì chủ động triển khai, thuộc Chính phủ thì trình ngay, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Quốc hội. Đặc biệt, phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách quốc tế.
Ngay tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông báo tin vui: Chính phủ sẽ sớm phê duyệt để áp dụng e-visa cho công dân tất cả các quốc gia ngay từ 1/1/2023.
Sang năm mới, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu khách nội địa, với tổng thu khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
8 triệu lượt khách quốc tế kỳ vọng đón được tuy cao hơn năm 2022, nhưng mới bằng số lẻ của năm 2019 - thời điểm trước Covid-19 là hơn 18 triệu. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, mục tiêu này là khá phù hợp, có khả năng đạt được. Bởi, nhìn sang các nước, xu hướng chung là lượng khách 2023 tăng gấp đôi năm trước. Điển hình như Thái Lan lên kế hoạch đón 20 triệu lượt khách quốc tế so với 10 triệu năm 2022; Singapore dự kiến đón 12 triệu khách, gấp đôi năm nay.
Nhưng, đòi hỏi đặt ra là, ngoài sự nỗ lực của ngành du lịch, các doanh nghiệp và cơ sở lưu trú, dịch vụ,… thì một lần nữa, các rào cản về chính sách về visa, quảng bá xúc tiến điểm đến cần sớm được tháo gỡ. Có như thế, du lịch quốc tế của Việt Nam mới dần hồi phục, tăng tốc và bứt phá trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt sau đại dịch.