Con người có thể sống được bao nhiêu năm và điều gì quyết định một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh đã được quan tâm từ lâu. Các nhà khoa học luôn muốn làm sáng tỏ mối tương tác phức tạp giữa khuynh hướng di truyền và các yếu tố lối sống.
Những người trăm tuổi từng được coi là hiếm hoi nay đã trở nên phổ biến. Họ là nhóm nhân khẩu phát triển nhanh nhất trong dân số thế giới với số lượng tăng gần gấp đôi cứ sau 10 năm kể từ những năm 1970.
Nghiên cứu gần đây được công bố trên GeroScience tiết lộ một số dấu ấn sinh học phổ biến, bao gồm mức cholesterol và glucose, ở những người trên 90 tuổi.
“Đây là nghiên cứu lớn nhất so sánh dấu ấn sinh học giữa nhóm có tuổi thọ đặc biệt cao và những người có tuổi thọ ngắn hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng xem xét mối liên hệ giữa các chỉ số và cơ hội trở thành một người sống trăm tuổi”, Phó giáo sư dịch tễ học Karin Modig (Viện Karolinska, Thụy Điển) chia sẻ.
Các tác giả xem xét dữ liệu của 44.000 người Thụy Điển từ 64 tuổi trở lên. Trong đó, 1.224 người sống đến 100 tuổi (2,7%). 85% những người sống trên trăm tuổi là nữ.
Mười hai dấu ấn sinh học dựa trên máu liên quan đến tình trạng viêm, chuyển hóa, chức năng gan và thận cũng như tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu tiềm ẩn, chức năng trao đổi chất bao gồm cholesterol, glucose... Tất cả những điều này đều có liên quan đến lão hóa hoặc tử vong.
Họ phát hiện ra rằng những người sống thọ 100 tuổi thường có mức glucose, creatinine và axit uric thấp hơn khi bước qua tuổi 60. Ví dụ những người có nồng độ axit uric thấp nhất có 4% cơ hội sống đến 100 tuổi trong khi nhóm có nồng độ axit uric cao nhất chỉ có 1,5% sống đến 100 tuổi.
Axit uric liên quan đến tình trạng viêm. Đây là một chất thải trong cơ thể sinh ra từ quá trình tiêu hóa một số loại thực phẩm. Trong khi đó, creatinine có liên quan đến chức năng thận.
Các dấu ấn sinh học khác của nhóm người sống thọ không có sự khác biệt đáng kể nhưng thường ở mức trung bình, hiếm khi cực cao hoặc cực thấp.
Ví dụ, rất ít người hơn 100 tuổi có mức đường huyết trên 6,5 mmol/L hoặc mức creatinine trên 125 µmol/L.
Điều đó cho thấy mối liên hệ tiềm ẩn giữa trao đổi chất, dinh dưỡng và tuổi thọ.
Nghiên cứu này không đưa ra kết luận yếu tố lối sống hoặc gene nào chịu trách nhiệm cho dấu ấn sinh học. Tuy nhiên, theo The Conversation, thật hợp lý khi nghĩ rằng các yếu tố như dinh dưỡng và uống rượu cũng đóng một vai trò nào đó. Thực tế cho thấy, sự khác biệt về dấu ấn sinh học được ghi nhận ở những người cao tuổi.
Bạn nên theo dõi các chỉ số về thận và gan cũng như lượng glucose và axit uric khi bạn già đi.