Xem lại bài 1: Lương công chức ở đâu trên bản đồ thế giới?
Quy định chồng chéo vì đâu?
Một khi ai đó tồn tại thì đương nhiên họ phải tìm ra công việc, nhiệm vụ để biện minh cho sự tồn tại đó của mình, dù những công việc, nhiệm vụ đó trong nhiều trường hợp không phục vụ cho sự phát triển.
Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh của VCCI phát hiện ra tình trạng, có nhiều thông tư ban hành điều kiện kinh doanh – điều mà Luật Đầu tư 2014, 2020 cấm. Các quy định tại thông tư vẫn còn tình trạng: chưa rõ ràng, thiếu thống nhất, chưa hợp lý và khả thi. Mặc dù, những quy định này tưởng là “nhỏ” nhưng vì liên quan đến hoạt động hàng ngày, thường xuyên của doanh nghiệp, nên trở thành rào cản, gây khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp.
Vẫn còn tình trạng công văn có chứa các quy phạm pháp luật, vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2018. VCCI cũng chỉ ra những vấn đề bất cập của công văn như: nội dung của công văn chưa rõ ràng, chính xác, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật giữa các cơ quan thực thi, hay nội dung của công văn không đủ tin cậy. Đây là những vấn đề tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, và đặt ra tính chịu trách nhiệm của các cơ quan ban hành dạng văn bản này.
Tuy nhiên, ngay cả các luật cũng chồng chéo, rối rắm và không đồng bộ.
Theo Luật Đất Đai 2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn bị hạn chế việc tiếp cận đất đai, đa số chỉ được tiếp cận dưới hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất trực tiếp; kém linh hoạt so với nhà đầu tư trong nước (được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ chủ thể khác). Trong khi Luật Đầu tư 2020 quy định đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Nếu áp dụng theo Luật Đất đai thì không phù hợp với Luật Đầu tư và ngược lại, cơ quan chức năng thường nghiêng về sự an toàn.
Hay một số trường hợp thủ tục “một cửa liên thông” là rất tốt cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, khi người dân và doanh nghiệp đến nộp hồ sơ thì được nhận nhưng không được hướng dẫn ngay để kịp chỉnh sửa, bổ sung những văn bản, thủ tục chưa chuẩn. Khi hồ sơ được chuyển đến các bộ phận khác, họ trả lời lòng vòng, thậm chí trả lại hồ sơ chỉ để sửa vài dấu chấm, phảy không đúng, làm mất thời gian của người dân và doanh nghiệp.
Mở cửa cho tư nhân làm nhiều dịch vụ công
Một khi cơ chế xin - cho được biến hóa dưới nhiều hình thức quản lý, cấp phép, thẩm định, phê duyệt, góp ý cho chủ trương từ các cơ quan thẩm quyền và chuyên môn thì tất nhiên các nội dung đó bắt buộc phải thực hiện… Như vậy các cơ quan, đơn vị hành chính vẫn còn nhiều việc phải làm, càng cần nhân sự phụ trách và hưởng lương ngân sách.
Thủ tục hành chính được quy định trong pháp luật, pháp lệnh, các văn bản chuyên ngành theo quy định. Quy chế hiện hành cho phép cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ban hành các thủ tục phục vụ mục tiêu quản lý, điều hành và không ít nơi đã lạm dụng.
Vì sao hầu hết nơi nào cũng có quy trình, thủ tục thỏa mái đến vậy? Hẳn ở đâu cũng muốn tạo ra sự chặt chẽ thủ tục với quyền lực, quyền lợi cho mình mà có thể gọi đó là lợi ích cục bộ.
Nếu chỉ dùng các biện pháp đơn giản, cơ học để cải cách hành chính thì dễ dẫn đến cải cách hình thức, đối phó, chưa phù hợp thực tế và không thực chất. Cắt đứt động lực tạo ra quy trình thủ tục rắc rối, phức tạp dẫn đến các trở ngại có liên quan tự khắc tháo gỡ.
Cải cách thủ tục hành chính cần áp dụng theo ngành dọc, kiểm tra chéo và có hình thức chế tài những nơi ban hành quy trình thủ tục tạo ra khó khăn. Nên đi kèm với cải cách cả bộ máy quản lý hành chính, điều hành lĩnh vực công.
Cụ thể, cần điều chỉnh thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong ban hành chính sách về một đầu mối chuyên nghiệp. Hạn chế cho phép chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị tự ban hành hoặc dự thảo trình cấp trên những quy trình hay văn bản mang tính cục bộ làm phát sinh thủ tục mà người dân và doanh nghiệp bị buộc phải thực hiện.
Khi chỉnh sửa, bổ sung hoặc lập lại các quy trình áp dụng phải theo hướng giảm bớt thủ tục và lấy ý kiến đối tượng trực tiếp bị tác động là người dân và doanh nghiệp có liên quan. Tích hợp các thông tin, công khai, minh bạch theo hướng Chính phủ điện tử. Kỷ luật hành chính nêu gương từ cấp cao nhất tác động lan tỏa, áp dụng tối đa công nghệ thông tin hạn chế tiếp xúc giữa đối tượng thực hiện thủ tục với cá nhân bộ máy quản lý.
Đã đến lúc xem xét thu hẹp các công việc bao cấp chi phí hoạt động cũng như tiền lương và phụ cấp từ ngân sách cho các tổ chức xã hội, đoàn thể để tiến tới thực hiện đúng nguyên tắc chi phí hoạt động cho các tổ chức này phải do các hội viên đóng góp để chi trả, tự chủ tài chính hoàn toàn.
Với các ngành dịch vụ “công lập”, tách dần nhiệm vụ xã hội ra khỏi hoạt động, cổ phần hóa, xã hội hóa theo nguyên tắc người sử dụng dịch vụ chi trả, có thể áp dụng trước ở vùng đô thị mà người dân có điều kiện về tài chính tốt hơn.
Trong nề kinh tế thị trường, phục vụ phát triển, hầu như không có lĩnh vực nào lại không thể cho tư nhân cùng tham gia cung cấp sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu của Nhà nước, kể cả một số dịch vụ không quá nhạy cảm trong các lĩnh vực như an ninh, quốc phòng.
Muốn thu hút vốn tư nhân, phải đảm bảo bình đẳng, xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho. Nhà nước chỉ đứng ra đặt hàng qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và dùng ngân sách chi trả như mô hình ở nhiều nước phát triển áp dụng cho thấy hiệu quả.
Điều này còn giúp giảm thiểu rủi ro cho đầu tư công như đội vốn, chậm tiến độ, kém chất lượng… mà tất cả đều có nguyên nhân là chủ đầu tư sử dụng ngân sách không có động cơ tính toán chi li, sử dụng đồng vốn bỏ ra như các dự án tư nhân bởi trách nhiệm của họ không thể như của tư nhân với đồng vốn của mình.
Tóm lại, bên cạnh tinh giảm biên chế và tăng lương, cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế thì xem xét mở cửa cho tư nhân được tham gia cung cấp một số dịch vụ công.
Khi khu vực tư làm tốt các công việc này sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách, góp phần tăng lương đáng kể, xây dựng bộ máy hành chính vừa tinh gọn hiệu quả vừa tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Trần Văn Tường