W-dan toc thieu so   lao cai 18.jpg

Xã Thanh Bình (huyện Mường Khương, Lào Cai) được biết tới như một “thủ phủ chè” của tỉnh miền núi này. Hiện Mường Khương đang có trên 5.840 ha trồng chè. Là một trong những cây trồng chủ lực, chè hiện diện trên địa bàn 16/16 xã, thị trấn của huyện.

Tổng diện tích chè kinh doanh (đã thu mua để chế biến tiêu thụ) gần 4.000 ha. Vùng chè kiến thiết (trồng mới) liên tục được mở rộng mấy năm nay, trung bình 500ha/năm. 

W-dan toc thieu so   lao cai 12.jpg

Những ngày tháng 4, vụ chè xuân vào dịp cuối của thu hoạch. Trên những sườn dốc, bà con đang thoăn thoắt hái những lá chè tươi xanh mơn mởn, rồi mang lên trạm cân gần đó để bán cho thương lái. Tiền công hái chè khoảng 150 nghìn đồng/ngày là một khoản thu nhập không nhỏ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi này. 

W-dan toc thieu so   lao cai 6.jpg

Cây chè có vòng đời khoảng 50-60 năm, không cần quá nhiều thời gian, công sức để chăm bón như nhiều loại cây nông nghiệp khác.

Ông Tô Việt Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương - rất tâm đắc khi loại cây “trồng một lần thu cả đời” đã và đang đem lại nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên cho bà con, góp phần giúp giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của địa phương.

Cây chè tại Thanh Bình đang ở giai đoạn sinh trưởng mạnh nên sản lượng khá cao, trung bình khoảng 10-12 tấn/ha. Hiện giá các loại chè thông thường ở mức 7.000-8.000 đồng/kg, chè ô long khoảng 15.000 đồng/kg, chè cổ thụ 30.000-35.000 đồng/kg. Nhờ đó, người dân nơi đây có khoản thu nhập đều đặn, ổn định ngay tại nơi sinh sống, không cần phải đi làm thuê chỗ khác.

W-dan toc thieu so   lao cai 11.jpg

Bà Tráng Minh Hoa - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình cho biết: “Chè bắt đầu được trồng ở đây từ năm 1996. Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đặc thù, chè ở Thanh Bình ngon hơn nhiều vùng khác. Với tổng diện tích trồng hiện nay lên tới trên 800ha, Thanh Bình đã trở thành một trong những vùng chè trọng điểm của huyện Mường Khương”.

W-dan toc thieu so   lao cai 13.jpg

Trước khi trồng chè, các hộ dân đều được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Hàng năm, cán bộ khuyến nông viên, kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn những nội dung mới để đáp ứng yêu cầu của đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Các hộ trồng chè ở Thanh Bình luôn tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp).

Chè sau khi được hái xong mang lên đường lớn sẽ có thương lái đến tận nơi thu mua với giá cả hợp lý. Toàn huyện hiện có 7 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, giúp người dân yên tâm gắn bó với cây chè.

Dự kiến trong năm 2025, huyện sẽ mời thêm 3 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm chè về lập nhà máy, dự kiến có 2 nhà máy ở xã Bản Lầu và thị trấn Mường Khương.

Theo thống kê, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Mường Khương lên tới trên 80% (riêng tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%). Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo chỉ còn trên 50% (hộ nghèo giảm dưới 20%). Tỷ lệ giảm hộ nghèo và cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cao hơn so với tỷ lệ giảm nghèo chung. Mục tiêu năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của toàn huyện chỉ còn dưới 50% (hộ nghèo còn khoảng 15%).

Các vùng trồng chè ở huyện Mường Khương đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, xây dựng các thương hiệu đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.

Chè cổ thụ là mặt hàng được người tiêu dùng rất ưa thích, từng xuất khẩu sang châu Âu, xuất hiện tại hội chợ thương mại nông nghiệp ở Italia, được chọn làm quà biếu các lãnh đạo cấp cao và các vị khách quý đến thăm Lào Cai.

Chính quyền địa phương đang tìm kiếm thêm giải pháp chế biến và tiêu thụ chè, đầu tư công nghệ chế biến sâu, đa dạng mẫu mã sản phẩm để tăng lượng chè xuất khẩu sang EU, Đông Âu, Đài Loan (Trung Quốc)…