Tôi thuộc thế hệ đầu 6X, tuổi thơ không hề biết buồn, biết khổ. Thức dậy mỗi sáng, chúng tôi đã có trong đầu một kế hoạch sẵn cho mình từ sáng đến tận đêm như hôm nay tát cá ở đâu, đi câu bống, bắt chim ở khu vườn nào, làm những đồ chơi gì (máy cắt, đúc súng diêm, súng cao su, ô tô bằng gỗ, đẽo cù, mài bi đá…); đến tối xem phim chiến đấu của Liên Xô ở bãi nào, đi với đứa nào, chui rào chốn vé ở chỗ nào…
Thời ấy, gia đình tôi chơi thân với nhà bác Đạm. Bác mất đã lâu. Đến giờ, tôi vẫn chơi thân với con của bác ấy. Bác là chủ cửa hàng thuốc Bắc. Từ nhà tôi đến cửa hàng của bác ấy xa khoảng 5km, có đoạn đường dốc cao, không đạp xe lên được mà phải xuống dắt bộ.
Vậy mà tôi cứ rảnh là lấy xe đạp nam của bố (đi luồn khung - chân chó) phóng lên chỗ bác ấy, chủ yếu là xin các mảnh vỏ quế vỡ, miếng cam thảo, thục vụn để ăn. Mỗi khi tôi đến chơi, bác rất mừng và cho ăn những thứ tôi thích. Vì tôi bị còi nên bác hay gọi đùa tôi là diễn viên xiếc.
Thỉnh thoảng có việc đi qua, bác thường rẽ vào nhà tôi chơi. Và, bố mẹ tôi luôn mời bác ở lại, ăn cơm. Dạo ấy, hầu như mọi nhà đều thiếu gạo và phải ăn cơm độn khoai, độn ngô, sắn mới đủ.
Riêng nhà tôi thì không phải ăn độn bao giờ vì mẹ tôi rất đảm đang và lo toan cho con cái, gia đình đủ đầy. Đến mùa gặt, mẹ mua thóc phơi khô và cho vào các thùng phi (vỏ phi đựng nhựa đường) để ăn dần.
Tôi vẫn nhớ, có một trưa, bác Đạm vào nhà tôi chơi và nhận lời ở lại ăn cơm. Khi ấy, tôi đang ở dưới bếp thổi cơm, nồi cơm đang sôi xình xịch, sắp cạn nước. Được biết có khách ăn cơm nên tôi nói với mẹ từ dưới bếp: "Con độn cơm nhé" (ý tôi là độn cơm nguội vì bác Đạm người rất to và ăn rất khỏe).
Mẹ tôi nói: “Không độn con nhé”. Nhưng tôi bảo: “Con cứ độn” - vì đó là thời điểm thích hợp khi cơm sắp cạn để cho cơm nguội vào. Bác Đạm nghe thấy thế liền nói: “Cháu cứ độn vào” - theo bác ấy hiểu là độn thêm khoai, ngô hoặc sắn.
Đến khi dọn cơm ra, thấy cơm không (cơm trắng, không độn), bác Đạm hỏi: “Thế cháu không độn cơm à?” Tôi trả lời: “Có, cháu độn rồi mà”. Bác nói: “Sao bác không thấy?”. Tôi đáp: “Là cháu độn cơm nguội của bữa trước còn thừa bác ạ”.
Do đất rộng, mẹ tôi nuôi nhiều gà chủ yếu để lấy trứng cho các con ăn. Mẹ thường ép tôi phải ăn trứng luộc lòng đào, đến giờ tôi vẫn sợ do phải ăn nhiều quá.
Mẹ nói, ăn như vậy mới bổ. Tuy nhiều gà nhưng chẳng mấy khi tự nhiên nhà lại thịt gà để ăn. Chúng tôi chỉ được ăn khi nhà có khách. Có dạo, lâu không được ăn thịt gà, tôi thèm quá nên nói với mẹ: “Sao nhà mình lâu có khách thế”.
Bù lại, anh chị em tôi có những lần ăn thịt gà thỏa thích, đó là những dịp gà bị rù, chết cả chuồng. Ngày xưa, không có tủ lạnh, nên gà bị dịch quay ra chết hàng loạt liền bị đem thịt, luộc và treo lên sào cho lâu bị thiu để ăn dần.
Chúng tôi mỗi đứa tự vặt cho mình cả một cái đùi gà to tướng, rồi ăn nhồm nhoàm, vừa ăn vừa nói: “Giống như trong phim”. Hồi đó, nhiều đứa trẻ như tôi có mong ước được đi đóng phim để được ăn thịt gà thoải mái.
Sau này đi làm dưới cộng đồng, khi có dịp tôi hay kể chuyện ngày xưa. Bọn trẻ con rất háo hức, há mồm ra nghe và tưởng tượng.
Nhưng tôi chắc là chúng có giỏi tưởng tượng đến mấy cũng không thể hiểu rõ được như tôi - những người đã sống thời niên thiếu của mình trong giai đoạn đó. Thỉnh thoảng, khi gặp chúng lại nhắc: "Bác ơi, bác kể chuyện ngày xưa đi. Chúng cháu thích nghe lắm".
Tôi lại nói: "Từ từ, bác sẽ kể - còn nhiều chuyện ngày xưa hay lắm".
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |
Nguyễn Tuấn Hiền