Kết luận rất kịp thời trên được Thủ tướng đưa ra ngay trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực". Trong ba trụ cột, như chủ đề của hội nghị, mà thiếu hoặc yếu chỉ một trụ cột thì thật khó để chính sách được “truyền thông” hiệu quả.
Trụ cột “nguồn lực” lâu nay dường như ít khi được quan tâm đúng mức, qua phát biểu và kiến nghị của các đại biểu trong hội nghị.
Trong một thời gian dài, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã kiên trì kiến nghị cần tăng cường trụ cột “nguồn lực” cho báo chí sau khi nhận ra những bất cập lớn trong thực tiễn.
Những con số ông đưa ra thật thuyết phục: 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, báo chí “của chúng ta” chỉ còn 20%. Báo chí chỉ còn 40% trong miếng bánh quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông. Tỉnh chung toàn bộ “làng báo” thì ngân sách nhà nước chỉ chiếm 23% tổng thu thường xuyên, 77% còn lại là do báo, đài thu từ dịch vụ, tức là, “cái dạ dày của báo chí đang được thị trường nuôi tới 77%”. Những báo đài lớn tự chủ tài chính thì lại không có tiền thường xuyên từ ngân sách, cũng không có đặt hàng từ ngân sách. Các báo đài này dựa trên thị trường 100% và dễ có xu thế trở thành báo chí thị trường.
“Nguồn thu đang bị suy giảm mạnh, báo chí đang khó khăn, và vì thế mà cần hơn nữa đặt hàng từ nhà nước cho báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị.“Vì công tác truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, vậy nên truyền thông phải là một mục trong chi phí”, ông nói thêm.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cam kết ngay: Bộ Tài chính đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước và sẽ tiếp thu kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách.
Xin nhắc lại một ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một bài báo ông viết nhân ngày nhà báo năm 2007: “Sự tín nhiệm của công chúng, của bạn đọc quyết định vị trí của các sản phẩm báo chí”.
Vì thế, bên cạnh vun đắp cho trụ cột “nguồn lực” thì cần có bổi dưỡng hai trụ cột khác là "Nhận thức - Hành động” của các cơ quan, tất cả là để làm sao mọi chính sách phải đến được với người dân với tinh thần “lấy dân làm gốc”, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", như Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Xem toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại đây
Tư Giang